04/01/2019: Nhìn Larung Gar lần cuối


Một Lạt ma trẻ nhìn xuống học viện Larung Gar và có thể đó cũng là lần cuối. Nếu không có áp lực nào, và chắc cũng không một áp lực nào, buộc Trung Cộng thay đổi ý định, vài hôm nữa một phần lớn của tu viện nổi tiếng thế giới này sẽ bị phá hủy. Larung Gar không chỉ là học viện mà còn là biểu tượng văn hóa Phật Giáo Tây Tạng và lý do phá hủy cũng không phải vì đông đúc, thiếu an toàn như Trung Cộng viện lý do nhưng chính là nhằm xóa bỏ giá trị văn hóa. Bởi vì, như tổ chức Human Right Watch phản bác, nếu chính quyền Trung Cộng cho là đông đúc thì thay vì phá hủy mà giải pháp đơn giản là xây thêm nhiều tu viện khác. Từ khi chiếm đóng Tây Tạng năm 1950 đến nay, mục tiêu cuối cùng của nhà cầm quyền Trung Cộng là xóa bỏ Tây Tạng, một quốc gia có chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, có chính phủ và đơn vị tiền tệ riêng. Chính sách xóa bỏ Tây Tạng của Trung Cộng được thực hiện bằng hai cách, (1) diệt chủng văn hóa (ethnocide) nhằm hủy diệt các giá trị văn hóa và (2) đồng hóa chủng tộc qua việc định cư ồ ạt người Hán vào Tây Tạng. Năm 1949, chỉ vỏn vẹn 300 đến 400 người Hán định cư ở Lhasa, thủ đô Tây Tạng, nhưng hiện nay tính trên toàn lãnh thổ, người Tây Tạng đã trở thành thiểu số trên chính quê hương mình. Lịch sử vàng son của Tây Tạng đang chìm dần vào quá khứ. Trong lúc tình cảm của nhân loại yêu chuộng tự do và hòa bình dành cho Tây Tạng luôn tràn đầy, thực tế chính trị cho thấy khả năng Tây Tạng được độc lập lần nữa phải gắn liền với sự tan rã của Trung Cộng, giống như trường hợp của các nước vùng Baltic trong cơ chế CS Liên Xô trước đây. Tây Tạng là một bài học trước mắt cho người Việt Nam còn quan tâm đến tiền đồ đất nước. Như người viết đã có lần viết đến, nhìn Tây Tạng để thấy nếu chỉ biết tôn vinh quá khứ mà làm ngơ trước hiểm họa Trung Cộng hôm nay, rồi lịch sử dân tộc Việt với những chiến công hiển hách của các thời Ngô, Đinh, Lý, Trần cũng sẽ chỉ là những tấm bia trong một ngôi đền cổ. Nếu tất cả chúng ta đều im lặng, làm ngơ, chịu nhục trước hiểm họa Trung Cộng, rồi bốn ngàn năm nữa, những đứa trẻ dòng Việt tộc đi ngang qua di tích đền Hùng, sẽ căm hận biết bao khi nghĩ về tổ tiên nhu nhược của chúng vào bốn ngàn năm trước đó. Đừng để lại một ngôi đền.

Share your thought