Cách đây không lâu, một ngày nọ tôi đứng hút thuốc và uống cà phê giải lao trước toà nhà nơi tôi làm việc, một ông cụ chừng 75, 78 tuổi đậu xe và sơ ý cạ vào một xe khác. Đây là chuyện rất bình thường đối với người lái xe, đặc biệt là người già.
Tôi thấy ông cụ loay hoay trong xe một đỗi rồi mới bước ra ngoài. Ông đứng nhìn vết xước trên chiếc xe mà ông lỡ gây ra và tắc lưỡi. Nhìn dáng ông, tôi biết ông là một người bị tàn tật nhưng không hiểu sao ông không để thẻ “tàn tật” ở trước kiếng xe. Ông lại lò dò bước vào xe và tìm kiếm cái gì đó. Sau đó ông bước ra và dùng một cái digital camera khá cũ kỹ chụp chiếc xe và vết xước. Tần ngần một chốc, ông tiến lại phía tôi và hỏi tôi có cây viết và mảnh giấy không, cho ông mượn. Tôi nói ông đợi 1 phút để tôi chạy lên văn phòng lấy cho ông.
Đưa ông tờ giấy và cây viết, ông cảm ơn và nói là ông muốn viết vài dòng, gắn lên kiếng xe của khổ chủ kia để họ liên lạc với ông sau vì ông không thể đứng đó chờ khổ chủ ra xe để trình bày chuyện gì xảy ra. Ông hí hoáy viết mấy dòng rồi trao cây viết lại cho tôi và cảm ơn.
Tôi tò mò hỏi ông: “Sao cụ không đậu ở đường song song với đường này, bên đó có mấy chỗ dành cho người tàn tật. Cháu nghĩ cụ là người tàn tật, phải không ạ?”
Ông nhìn tôi cười một cách hiền hậu và trả lời: “Quả vậy, tôi tàn tật nhưng tôi ghét mọi người đối xử tôi như một người tàn tật.”
Tôi ngạc nhiên, hỏi tới: “Sao vậy cụ?”
Ông đáp: “Tôi thấy người tàn tật có quá nhiều quy chế. Đậu xe cũng có chỗ cho người tàn tật, đi thang máy cũng vậy, thậm chí đi cầu tiêu cũng có chỗ dành riêng cho người tàn tật. Nhiều quá, e biến thành phân biệt nặng nề giữa người tàn tật và người bình thường.”
Tôi nghĩ trong đầu, “ông cụ này khác lạ đây” và nói: “Cháu không nghĩ họ phân biệt đâu cụ ạ. Họ chỉ dành những phương tiện giúp cho người tàn tật cảm thấy tiện nghi và dễ dàng thôi đó mà.”
Ông đáp: “Tôi cũng biết vậy nhưng nhiều quá tự dưng tôi cảm thấy khó chịu.”
Biết ông cụ đã “dính chặt” suy nghĩ như vậy, tôi không phiền ông thêm và đáp: “Vâng, thưa cụ. Chúc cụ bình yên.”
Ông cảm ơn, gật đầu chào và bước đi.
Tôi lên văn phòng tiếp tục làm việc.
Chiều hôm ấy, hai chiếc xe, xe ông cụ và xe bị trầy đều không còn ở đó. Tôi không biết sự thể ra sao sau đó. Có lẽ bảo hiểm sẽ giải quyết cho đôi bên.
Điều làm tôi suy nghĩ là đôi khi có những thứ quá bình thường, mình không để ý tới và nhìn lại thì quả là… khác thường. Quả thật, ngay ở Sydney này, không có bãi đậu xe nào không có chỗ dành riêng cho người tàn tật, không có con đường nào cho phép đậu xe mà không có dăm ba chỗ đậu riêng của người tàn tật. Bất cứ nơi công cộng nào cũng có những tiện nghi riêng dành cho người công cộng, tàu lửa, máy bay, xe bus, thang máy, lối đi, nhà hát, trung tâm mua sắm…v.v.. thậm chí những toà nhà tư nhân cũng không hề thiếu những phương tiện cho người tàn tật.
Có những nơi, có những con người bị mất mác được bù đắp nhiều đến độ họ sợ hãi. Có những nơi, có những con người cũng bị mất mác, đôi khi gấp vạn lần, không hề được bù đắp đến độ họ thấy bình thường.
Share your thought