Sài Gòn những ngày mưa, chỉ gói gọn trong ba cụm từ: ngập nước, kẹt xe, và mệt mỏi!!
Đúng, thật sự mệt mỏi khi cả ngàn con người bừa chân chen nhau trên cả một đoạn đường dài hàng cây số, giữa bao nhiêu là cái hố tử thần. Phần thì nước mưa ướt trên đầu, phần thì nước ngập lạnh tanh đen ngòm bên dưới.
Ba năm rồi đấy, đã ba năm tôi sống ở đất SÀi Gòn này, cũng dần học được cách bơi trên phố nước. Chán lắm. Bạn bè cứ trêu nhau là về nhà bảo ba má sắm xuồng gửi lên, để đi đứng cho nó tiện! Chứ cứ mùa mưa tới là ôi thôi, ngán ngẩm!!!!
Bốn ngày nay, SÀi Gòn như trút nước. Ngồi học trong lớp ngó ra ngoài mà ruột gan tôi thắt lại khi tưởng tượng ra cái cảnh lát nữa phải oằn mình giữa đám đông, nhích từng vết bánh xe để về nhà. Ngó qua nhỏ bạn kế bên cũng đang cắn bút nhìn ra phía cửa, tôi thở dài ngao ngán.
Đúng như tôi lo lắng. Tôi mất hơn 1 tiếng 40 phút để lết về tới nhà, gấp đôi khoảng thời gian bình thường.
Các con đường kẹt cứng, lớp người, lớp xe máy, xe ô tô, xe bus. Nhìn mặt ai cũng mệt mỏi. Sau cả một ngày dài lao động học tập, ai mà không mệt cơ chứ? Đã thế lại còn gặp phải tình cảnh này. Ngày thường trời nắng, tình hình đường xá cũng đã báo động lắm rồi, huống hồ gì bây giờ, con đường bị xẻ nhỏ đi, vì có chỗ nước ngập sâu, xe không qua được. Nhiều người đổ cáu, chẳng biết họ cáu với ai và lấy cái quyền gì để cáu trong khi ai cũng như ai mà cứ người sau bóp còi inh ỏi thúc giục người trước, chẳng khá khẩm nhích nhói được cái gì? Tôi có cảm giác người ta sẵn sàng giẫm lên nhau để chen lên phía trước! Nhiều người tràn hẳn lên vỉa hè, đua nhau chạy. Tình trạng hỗn độn, lộn xộn vô cùng. Có lẽ trong cuộc chiến kẹt xe này, chỉ cần ai về nhà trước, thì người đó thắng nhỉ??! Rồi cứ tiếp diễn ngày này tháng nọ năm kia, và kẹt thì vẫn cứ kẹt, ngập cứ ngập, và mệt mỏi cứ mệt mỏi!
Đám đông bắt dầu giãn ra để lủi vào các con hẻm đường tắt, tôi cũng nhắm mắt đưa chân theo với hy vọng tìm được lối thoát. Ấy thế mà, không hẻm cụt thì cũng là rào cấm: Đường đang thi công -_-
Tôi hỏi đùa bạn tôi theo cái kiểu ngu không che giấu dốt: “ Sao người ta cứ phải canh mùa mưa để sửa đường nhỉ? Đường thì vốn đã đông, đã kẹt, sửa đường lại phải rào chặn, bao nhiêu con người đổ dồn về đường đi thay thế, đã kẹt, lại càng kẹt hơn”
Ừ thì, sửa để nâng đường, để nước đừng ngập, để lưu thông thoải mái! Vâng, năm nào đường cũng sửa, vài ba ngày là lại đào đào xới xới, chỗ này thi công, chỗ khi thi công.
Tôi lại đùa: Chắc nước nó dâng theo đường, rồi nó cuốn trôi bớt gạch đá, nên vẫn ngập là ngập,vẫn bung tróc ổ gà ổ trâu!
Sau khi vòng ra 3 con đường, và xác định, chỗ nào cũng chỉ nước là nước, tôi bấm bụng xông thẳng, dù gì cũng đã ướt, thôi thì lủi đại cho nó nhanh về nhà còn hơn. Lần đầu tiên tôi thấy cái lợi của việc đi xe đạp vào trời mưa khi 2 bên đường đầy những người đi xe máy dắt bộ, vì chết máy. Nhiều người phải hì hục dắt chiếc xe bơi trong làn nước. Tội, tội lắm!! Nhưng cũng chẳng biết làm thế nào khác.
Về đến nhà, gỡ đôi giày ba ta ra, ướt sũng, đọng đầy nước, giờ mà có thả con cá ba đuôi vào chắc nó cũng đủ nước sống cả tuần chứ chẳng chơi. Ôi trời! Hậu quả của việc quên bỏ theo đôi dép lào xi-cua là đây!
Ắc xì!!
Dầm mưa nhiều ngày, khiến đứa trâu như tôi cũng ơn ớn lạnh trong người, huống hồ gì trời ban sáng thì nắng chang chang, chiều thì mưa tầm tã. Sài Gòn sáng nắng chiều mưa, cứ như cô gái thất thường đổi tính.
Tôi lao ngay vào nhà tắm. Thay bộ đồ ướt sũng ra, chà xà phòng hai bàn chân. Lội nước bẩn hơn 1 tiếng đồng hồ, hai lòng bàn chân tôi bắt đầu có cảm giác ngứa ngáy lên. Ôi thôi nước bẩn, thật khủng khiếp!! Nghĩ đến thôi tôi lại nổi cả da gà. Choàng cái khăn xoa xoa mớ tóc rối ướt sũng, tôi chui ngay vào giường, trùm kín chăn, đầu ong ong lên. Cảm giác cơn cảm đang đến gần, tóm gọn hơ lấy tôi, cười đắc thắng.
Chà. Bên tai tôi văng vẳng tiếng kèn xe ing ỏi, tiếng mưa gió rít ào ào. Hình ảnh con đường ngập nước đen ngòm với bao nhiêu là con người đang chen chúc nhau.
Tôi lắc đầu, tặc lưỡi.
Chẳng biết đến bao giờ, người dân sài gòn mới thôi chịu cảnh bơi trong nước đục thế này?!! Bao giờ thì đường xá thông tháo, không còn tình trạng chen lấn xô đẩy?
Biết đến bao giờ?!
Share your thought